Ra mắt từ tháng 11/2022, ChatGPT do công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI phát triển đã tạo nên một “cơn sốt” thu hút hàng triệu lượt sử dụng trên toàn cầu. Nhiều người cho rằng năng lực xử lý ngôn ngữ của chatbot này có tác động đáng kể đến ngành quảng cáo, đặc biệt là các agency chạy quảng cáo thông qua các công cụ tìm kiếm. Theo Campaign Asia, dưới đây là những thay đổi mà các marketer cần lưu ý:
Đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của người tiêu dùng
Ông Simon Hearn – Giám đốc Điều hành Distillery khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng “miếng bánh thị phần” của các công cụ tìm kiếm hiện nay đã bị phân mảnh, với phần lớn người dùng tiếp tục sử dụng các nền tảng có sẵn như Google và sự phát triển của xu hướng truy vấn và cập nhật thông tin bằng TikTok của Gen Z.
Không giống như các công cụ tìm kiếm khác, ChatGPT không hiển thị cho người dùng danh sách liên kết có liên quan mà thay vào đó là một câu trả lời duy nhất được xây dựng như một cuộc đối thoại giữa người với người.
Trong thời đại có quá nhiều thông tin cần chọn lọc, sự xuất hiện của ChatGPT với khả năng truy vấn và đáp ứng nhanh chóng hầu hết yêu cầu thông tin giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Nhiều người tin rằng công cụ chatbot này hoàn toàn có khả năng tái định nghĩa và thay thế những công cụ tìm kiếm truyền thống và góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong tương lai.
Vì thế, agency chạy quảng cáo cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng công nghệ mới nhằm tạo ra những nội dung hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và sở thích cụ thể của người dùng.
Hỗ trợ chiến lược nội dung và tối ưu hoá SEO
Nhờ khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ChatGPT có khả năng tổng hợp và phân tích thông tin đa lĩnh vực, hỗ trợ agency chạy quảng cáo trong việc phát triển chiến lược nội dung và lựa chọn từ khoá phù hợp để tối ưu hoá SEO.
Ngoài ra, một thương hiệu có thể tối ưu hóa dịch vụ hỗ trợ khách hàng của mình bằng ChatGPT, đưa ra phản hồi kịp thời và cá nhân hóa dựa trên hiểu biết thông qua các truy vấn cụ thể của khách hàng. Công cụ chatbot này còn có khả năng điều chỉnh và cải thiện chất lượng nội dung xuyên suốt quá trình thu thập dữ liệu về các chủ đề mà khách hàng quan tâm.
Bên cạnh đó, ChatGPT vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như cung cấp thông tin sai lệch, nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng hay đạo văn. Các chuyên gia tin rằng trí tuệ nhân tạo chỉ nên được xem như một công cụ giúp quá trình sáng tạo trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống.
Vai trò của đội ngũ marketing trong việc chủ động tiếp cận, khai thác insight khách hàng, định hướng chiến lược và kiểm soát nội dung do ChatGPT tạo ra là khó có khả năng bị thay thế trong tương lai.
Thúc đẩy “cuộc chiến” trả phí trên các công cụ tìm kiếm
Microsoft vừa xác nhận sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ đô la vào OpenAI nhằm xây dựng kế hoạch nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái của mình vào ChatGPT. Theo Manish Sinha – Giám đốc Marketing của công ty tích hợp mạng kỹ thuật số STL, sự kết hợp giữa Microsoft với công nghệ GPT của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing giúp đưa ra những kết quả chính xác hơn, phù hợp với ngữ cảnh và mục đích truy vấn của người dùng dưới dạng các cuộc hội thoại.
Sự phát triển này tạo tiền đề cho những đổi mới lớn trong công nghệ trợ lý giọng nói và giúp Microsoft thu hút lượng lớn người dùng chuyển sang sử dụng công cụ tìm kiếm của mình.
Điều này có thể tác động đến cách mà agency chạy quảng cáo, phân bổ ngân sách cho hoạt động quảng cáo trả phí trên công cụ tìm kiếm khi mà những “gã khổng lồ” công nghệ này luôn tìm cách thương mại hoá những nội dung trên công cụ của mình và giành lấy thị phần trước đối thủ.
Liệu ChatGPT có thay đổi cách ngành quảng cáo hoạt động?
ChatGPT được kỳ vọng sẽ là nhân tố chính làm thay đổi tương lai ngành quảng cáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để kết luận về tiềm năng phát triển và thay thế nhân sự ngành quảng cáo của ChatGPT.
Về cơ bản, công cụ này chỉ có khả năng xử lý ngôn ngữ dựa trên thông tin có sẵn. Việc sáng tạo ý tưởng mới lạ, thậm chí là “điên rồ”, vẫn phụ thuộc phần lớn vào trải nghiệm và kỹ năng chuyên môn của nhân sự.
Khi AI ngày càng phát triển, viễn cảnh đặt ra là liệu khách hàng có sẵn sàng giữ mức chi trả cho các agency quảng cáo xây dựng chiến dịch dựa trên trí tuệ nhân tạo hay không? Điều này còn phụ thuộc vào kết quả đầu ra của AI và đánh giá của agency thông qua thử nghiệm A/B so sánh hiệu quả giữa các hình thức khác nhau khi thực hiện chiến dịch.
Ở thời điểm hiện tại, các agency chạy quảng cáo nên tập trung vào việc khai thác những lợi ích của ChatGPT để hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích hay mối lo ngại của khách hàng nhằm hỗ trợ cho quá trình triển khai chiến lược một cách hiệu quả.
Theo Campaign Asia